Xuân Về Đến Tết Trên Mọi Miền Đất Nước

5/5 - (1 bình chọn)

Tết đến xuân về, người Việt luôn có những háo hức đợi chờ riêng cho khoảng thời gian tuần hoàn của đất trời. Mọi người ngóng trông, hoài niệm, kì vọng vào những điều tốt đẹp trong năm mới. Tết cũng là phút giây xum hợp đoàn viên sau những ngày bôn ba, là khoảng thời gian nghỉ ngơi tận hưởng sau một năm vất vả. Lệ xưa nếp cũ, trên mỗi vùng miền đất nước,  phong tục đón Tết Nguyên đán có thể khác nhau. Chính nhờ đó, tạo nên sự đa dạng về mặt lễ nghi cũng như các hoạt động vui chơi những ngày đầu xuân.

Trong tâm thức người Việt, tết Nguyên Đán luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng (Ảnh: Internet)

 

Miền Bắc

Nói đến Tết ở miền Bắc là nói đến hoa đào, loại hoa của nàng xuân yêu kiều. Không đơn thuần là loại hoa chưng vào dịp Tết, theo tích xưa, hoa đào giúp xua đuổi tà ma cùng những điều xui xẻo trong dịp năm mới. Song song đó, màu đỏ hồng tượng trưng cho sự ấm áp, may mắn, thịnh vượng trong năm mới.

Những cành đào màu đỏ hồng là hình ảnh dễ nhận biết nhất của mùa xuân miền Bắc (Ảnh Internet)

Chẳng biết tự khi nào, bàn thờ tổ tiên ngày Tết nhất định phải có sự hiện diện của mâm ngũ quả. Ở miền Bắc, mâm ngũ quả được chưng theo nguyên lý ngũ hành, tượng trưng cho sự đơm hoa kết trái, viên mãn, tròn đầy. Mâm gồm năm loại trái cây chính là chuối tượng trưng cho hành mộc; bưởi hoặc phật thủ có màu vàng là hành thổ; màu đỏ từ cam, quýt, hồng biểu trưng cho hành thổ; đào là hành kim; quả có màu đen như hồng xiêm, nho là hành thủy. Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, mâm ngũ quả có thể khác nhau về số lượng và cách bày trí. Nhưng tựu chung đều tượng trưng cho tấm lòng thành kính, dâng lên tổ tiên thành quả lao động suốt năm qua.

Bữa cơm ngày Tết ở miền Bắc không thể thiếu bánh chưng (Ảnh: Internet)

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Từ khi Lang Liêu dâng lễ vật bánh chưng và bánh dày lên vua cha mừng năm mới, bánh chưng đã trở thành món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở miền Bắc. Bánh chưng được gói từ nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn, lá dong…có hình vuông tượng trưng  cho đất. Từng hạt nếp no tròn, đậu xanh ngọt dịu, thịt mỡ béo ngậy, được ấp ủ nâng niu trong từng lớp lá dong xanh mướt. Hòa quyện, đong đầy mùi vị được gói ghém từ ngàn xưa.  Theo thời gian, một số phong tục ngày tết đã thay đổi. Ngày trước gần như nhà nào cũng tự tay gói bánh chưng ngày Tết. Cả nhà hay vài gia đình họp lại, mỗi người mỗi tay mỗi việc, người chuẩn bị lá, nếp, đậu…tiết trời se lạnh, lửa ấm lan tỏa khi nấu bánh, tiếng chuyện trò rôm rả, những vất vả muộn phiền tạm gởi lại ngoài kia…đó là Tết, là khởi đầu cho một năm mới lạc quan và tốt đẹp hơn.

 

Miền Trung

Là vùng đất nằm ở giữa lãnh thổ, miền Trung có sự giao thoa văn hóa của hai miền Nam Bắc song song với tập quán địa phương. Do đó, ngày Tết ở miền Trung có nét tương tự như hai miền còn lại, tuy nhiên vẫn có những đặc trưng rất riêng.

 

Nếu như miền Bắc chưng hoa đào thì mai vàng rực rỡ góp phần điểm tô cho ngày xuân miền Trung thêm tươi thắm.  Mai nở đúng vào sáng mồng 1 được xem là điềm báo của sự may mắn, sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt trong năm mới.

Hoa mai điểm tô ngày xuân thêm rực rỡ (Ảnh: Internet)

Tương tự như ở miền Bắc và Nam, ngày Tết ở miền Trung không thể thiếu sự hiện diện của mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả không quá “gò bó” theo quy tắc hình thức, chủ yếu vẫn là thành tâm dâng cúng tổ tiên. Khi chưng người ta thường chọn những trái cây có vị ngọt thơm, to và giữ được lâu. Đa phần, mâm ngũ quả gồm có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…Mâm ngũ quả có thể hoành tráng hay giản dị nhưng đều gói gọn ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng.

 

Nhờ có sự giao thoa ẩm thực của cả hai miền Bắc Nam nên mâm cơm ngày Tết ở miền Trung rất phong phú và đa dạng. Tùy vào mỗi gia đình, mâm cơm ngày Tết có thịt ngăm mắm, nem chua, chả bò, dưa món, bánh tổ…Người miền Trung rất thích ăn các món cuốn, do đó nhất đỉnh phải có bánh tráng với thịt luộc, tai heo…ăn cùng các loại rau sống, mắm nêm đậm đà. Điểm đặc biệt là miền Trung ăn cả bánh chưng và bánh tét vào ngày Tết. Bánh chưng được gói nhỏ và ít nhân hơn so với miền Bắc. Bánh tét được cắt thành khoanh tròn, ăn kèm với dưa món là đúng điệu.

Mâm cơm Tết miền Trung rất phong phú đa dạng (Ảnh: Internet)

 

Miền Nam

Miền Nam là vùng đất trẻ so với hai miền còn lại của đất nước. Hệ thống sông ngòi dày đặc, thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên cuộc sống phóng khoáng, tự do tự tại cho bao thế hệ cư dân vùng đất này. Ở miền Nam, ngày Tết cũng được chuẩn bị tươm tất, mang đậm dấu ấn vùng đất mở.

 

Bàn thờ tổ tiên là nơi được chăm chút nhất trong nhà khi đón Tết. Lau dọn sạch sẽ, đánh bóng lại bộ lư đồng, chưng bình bông và mâm ngũ quả là những việc không thể thiếu. Khác với miền Bắc và Trung, mâm ngũ quả miền Nam gồm có mãng cầu, dừa tươi, đu đủ, xoài, …Mỗi món ăn đều được gởi gắm những kì vọng tốt đẹp trong năm mới, mâm ngũ quả cũng không phải ngoại lệ. Khi ghép tên các loại trái cậy lại với nhau được đọc là “cầu vừa đủ xài”; tượng trưng cho sự đủ đầy sung túc trong năm mới. Đặc biệt, khác với miền Bắc, người miền Nam không bao giờ chưng chuối do phát âm giống từ “chúi nhủi” mang ý nghĩa không may mắn, làm ăn không khấm khá.

Mâm ngũ quả được gởi gắm mong muốn năm mới đủ đầy, sung túc (Ảnh: Internet)

 

Tương tự như ở miền Trung, người miền Nam rất thích chưng mai vàng vào dịp Tết. Không quá khi nói rằng, thiếu mai vàng thì nàng xuân kém duyên dáng, tựa như một chiếc áo mới chẳng còn điểm nhấn. Dù gia đình khá giả hay eo hẹp, cây lớn xum xuê hay cành mai be bé; mai vàng vẫn rực rỡ khoe sắc trước hiên nhà hay nơi phòng khách, góc vườn.

 

Mâm cơm ngày Tết không khi nào thiếu sự hiện diện của thịt kho tàu, canh khổ qua và đòn bánh tét. Tương tự như bánh chưng của miền Bắc, bánh tét được gói từ nếp ngon, đậu xanh và thịt mỡ. Ngày nay, nhân bánh có thể được biến tấu có thêm thịt ba rọi, trứng muối, hạt điều…thêm phong phú, đa dạng. Món mặn chủ đạo trên mâm cơm chắc chắn là thịt kho tàu, hay còn gọi là thịt kho rệu hay thịt kho trứng.  Thịt ba rọi được cắt thành miếng vuông lớn, kho thật nhừ cùng hột vịt, nước dừa và gia dị. Dung dị là thế, càng hâm càng ngon, có thể ăn chung với cơm hay cuốn bánh tráng.  Canh khổ qua, mang ý nghĩa cái khổ qua đi, góp phần tạo nên linh hồn bữa cơm ngày Tết. Vị đắng của khổ qua kết hợp với nhân từ thịt, giò sống, nấm mèo, cá thác lác…vừa là món ăn ngon miệng, vừa giúp thanh nhiệt cơ thể khi ăn quá nhiều món giàu năng lượng vào dịp Tết.

Canh khổ qua và thịt kho tàu rất được người miền Nam yêu thích vào dịp Tết (Ảnh: Internet)

 

Năm cũ qua đi, năm mới lại đến mang theo kì vọng những điều tốt đẹp, may mắn. Những vất vả muộn phiền tạm thời khép lại, mọi người cùng nhau chia sẻ những điều tốt đẹp mừng xuân sang. Chúc mọi người, mọi nhà năm mới bình an, thịnh vượng, vạn sự như ý.

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận