Đến tết Xuân về – Món Quà Tháng Năm

Gói bánh chưng bánh tét ngày tết
5/5 - (1 bình chọn)

Tết Nguyên Đán – cái tết quan trọng nhất trong tâm thức người Việt. Vòng tuần hoàn của đất trời, xuân đến, xuân đi, xuân trở lại mang theo khát vọng và mong ước một năm mới đủ đầy, như ý.

 Từ đầu tháng Chạp, không khí Tết dần len lỏi khắp đất trời. Ai cũng tranh thủ hoàn tất nốt những chuyện dở dang năm cũ. Các nhà vườn cũng bận rộn hơn để hoa kịp khoe sắc ngày xuân. Thông tin về những chuyến tàu, xe về thăm nhà được quan tâm hơn bao giờ hết. Mọi người sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa…Nàng Xuân đang đến rất gần.

Mọi người đã chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa từ tháng Chạp

Mọi người đã chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa từ tháng Chạp (Ảnh: Internet)

15 tháng Chạp, phố phường rực rỡ đèn hoa. Các cửa hàng ven đường xập xình nhạc xuân – nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng, chở tia nắng về trong ánh mùa sang. Nhà vườn đã mang hoa bán buôn khắp muôn phương. Miền Nam, miền Trung, những cây mai trước nhà đã lặt lá để kịp nở hoa ngày mùng 1. Củ kiệu, dưa hành, dưa món, bánh mứt…đã chuẩn bị hòm hòm. Nàng xuân đã về bên hiên nhà.

 

Cúng ông táo hàng năm

Tục lệ cúng đưa ông Táo thường kèm thả theo cá chép để ông Táo cưỡi về trời (Ảnh: Internet)

Bếp ấm lửa hồng, bữa cơm gia đình luôn là những điều thân thương nhất trong ký ức mỗi người. 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo ông Công – những vị thần trong coi việc bếp núc –  về trời. Táo Quân lên chầu trời là để báo cáo với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Từ đó, Thiên đình sẽ đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình. Theo thời gian, lễ cúng có thể đơn giản đi ít nhiều nhưng không vì thế mà ý nghĩa tâm linh, nét đẹp văn hóa của ngày 23 tháng Chạp bị phai nhạt.

 

Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn.

Thường từ  ngày rằm đến tầm 24 – 25 tháng Chạp, người Việt có tục tảo mộ. Tục ngữ có câu “cao nấm ấm mồ”, nhà nào năm hết Tết đến cũng dành thời gian quét dọn, sửa sang mộ phần, giãi bày với người đã khuất về những việc xảy ra trong năm vừa qua. Bao thế hệ, bao đời vẫn thế. Chưa từng quên bổn phận của con cháu với ông bà tổ tiên.

 

Những ngày giáp Tết, vẫn chỉ 24 tiếng đồng hồ như thường nhật, dường như có chút bất đồng. Trời thêm xanh, lòng người thêm hân hoan. Học sinh, sinh viên được nghỉ sớm nhất. Người đi làm đến công ty mà lòng “thèm” tết lắm rồi. Đường phố rực rỡ sắc màu của đồ trang trí, của đào, mai, cúc, đồng tiền, vạn thọ, hồng, quất…Nhạc xuân xập xình từ đầu thôn cuối hẻm. Các mẹ thì tất bật với đủ thứ việc trong nhà. Dọn chỗ này, chỗ kia, làm món này, món nọ. Nhà nào còn gói bánh tét, bánh chưng thì thôi rồi, nào lá, đậu, lạt, thịt…Người Việt xưa nay đều quan niệm “ăn tết”, “no ba ngày tết”, đầu ăn đủ đầy thì sung túc cả năm. Bánh, mứt, món mặn, món chay, từ thịt kho, củ kiệu đến dưa hành, dưa món, giò chả…Từ chợ đến siêu thị thì nhộn nhịp, tất nập cảnh bán mua. Nhiều người nói, so với mùng 1, mùng 2 thì họ thích và hoài niệm những ngày giáp Tết hơn hẳn. Có bận rộn, lo toan, háo hức lại đượm chút dư vị năm cũ.

Gói bánh chưng bánh tét ngày tết

Hiện nay, không nhiều gia đình còn giữ nếp gói bánh Chưng, bánh Tét ngày tết (Ảnh: Internet)

30 Tết, ngày cuối cùng trong năm. Mọi việc lớn trong nhà đều đã ổn thỏa. Chỉ còn vài chuyện lặt vặt. Con cháu trong gia đình đều về đủ. Bữa cơm cuối năm thịnh soạn hơn bao giờ hết. Lo toan, vất vả tạm thời để qua một bên. Cuộc sống vốn chẳng vẹn toàn. Vì mưu sinh hay vì một lý do nào đó, vẫn có những người chẳng thể xum họp cùng gia đình buổi cơm chiều cuối năm. Đành tự an ủi, nhà ở trong tim, về nhà thì buổi cơm nào cũng ngon cũng hạnh phúc.

Bữa cơm đoàn viên

Bữa cơm đoàn viên luôn ấm cúm và đông đủ thành viên trong gia đình (Ảnh: Internet)

Đêm trừ tịch. Thời khắc thiêng liêng của đất trời, giao hòa giữa năm cũ và mới. Muộn phiền theo năm cũ rời đi. Người ta chúc nhau một năm mới tài lộc như ý, gia đạo an khang, sự nghiệp hanh thông. Một năm mới nhiều ước vọng, hoài bão. Mùng 1, mùng 2, mùng 3…lễ chùa, chúc Tết,  du xuân, hái lộc…tận hưởng khoảng thời gian đặc biệt của đất trời. Để rồi sau đó, mọi người lại trở về với guồng quay vội vã của cuộc sống thường nhật.

Tết nguyên đán

Tết Nguyên Đán – cái tết quan trọng nhất trong tâm thức người Việt (Ảnh: Internet)

Có người cho rằng, bây giờ Tết đã “nhạt” hơn xưa, nhiều phong tục bị quên lãng. Thế nhưng, Tết vẫn là Tết, vẫn là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Là thời gian cho sự xum họp, sẻ chia, nghỉ ngơi, hoài niệm, khát vọng… Khi thời tiết còn chuyển mùa, chồi non mơn mởn, mai đào háo hức khoe sắc… thì đất trời còn xuân và lòng người còn Tết.

 

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận