Rồng Trong Văn Hóa Việt Nam – Thiêng Liêng Và Cao Quý

Vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ
5/5 - (1 bình chọn)

Từ ngàn xưa, theo chiều dài lịch sử, hình tượng rồng giữ vai trò quan trọng trong tín ngưỡng, văn hóa và đời sống của người dân đất Việt. Mỗi người Việt Nam đều tự hào về nguồn gốc “con Rồng cháu Tiên” gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, tượng trưng cho dòng tộc cao quý cùng phẩm chất tốt đẹp của cả dân tộc. Đặc biệt, rồng đứng ở vị trí  đầu tiên trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng) và là con giáp duy nhất không có thực trong mười hai con giáp.

Rồng Là Biểu Tượng Linh Thiêng

 

Vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ

Vua Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ (Ảnh: Internet)

 

 

Dân gian thường sử dụng lý thuyết “tam đình cửu tự” để mô tả đặc điểm của rồng. Theo đó, rồng được mô tả bao gồm ba phần chính là đầu, thân và đuôi; đồng thời nêu rõ rồng có 9 đặc điểm khác nhau của 9 loài vật có thật. Cụ thể, rồng có sừng giống nai, đầu giống lạc đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trai, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ và tai giống bò. Qua đó, lý giải vị trí bá chủ vạn vật của rồng thông qua việc thừa hưởng và kết hợp những phẩm chất ưu việt nhất từ thế giới động vật. Hình tượng rồng được xây dựng hoàn toàn dựa trên trí tưởng tượng, không có hình dáng cụ thể trong thực tế. Thế nhưng, khi nhắc đến rồng, chúng ta đều liên tưởng đến một linh vật siêu nhiên, mạnh mẽ và cao quý. Tùy từng giai đoạn lịch sử, rồng sẽ có đặc điểm và phong cách riêng, phản ánh quan niệm thẩm mỹ và tín ngưỡng thời kì đó.

Rồng luôn biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường

Rồng luôn biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường (Ảnh: Internet)

 

Rồng Trong Đời Sống Người Việt

Như nhiều quốc gia phương Đông khác, rồng luôn gắn liền với quyền lực. Từ đó, rồng cũng hóa thân thành một hình tượng của quyền lực tối cao trong thiên hạ: đó là vua. Gặp mặt vua phải gọi là yết kiến “long nhan”, giường vua ngủ gọi là “long sàn”, áo vua mặc được gọi là “long bào”…những đồ vật dụng của vua ít nhiều đều mang họa tiết rồng. Bên cạnh đó, ở nước ta rồng hiện diện trong nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, tín ngưỡng, lễ hội, kiến trúc, giai thoại, văn chương… Chúng ta dễ dàng bắt gặp hình tượng rồng trang trí cho các cung điện, chùa chiền, đình miếu tôn nghiêm trong cả nước. Trong đó, phổ biến nhất phải kể đến mô típ Lưỡng long triều nguyệt, Lưỡng long tranh châu, Lưỡng long chầu hổ phù đội bầu rượu hoặc Hồi long triều nguyệt. Trong các công trình kiến trúc cộng đồng, rồng thường được trang trí trong tư thế nằm chầu, uốn lượn trên mái, cuốn quanh cột….biểu tượng cho sự che chở bảo vệ.

Đồ án lưỡng long chầu nhật thế hồi long tại đình An Ngãi Đông

Đồ án lưỡng long chầu nhật thế hồi long tại đình An Ngãi Đông (Ảnh: Internet)

Việt Nam ta là nước nông nghiệp, cây lúa giữ vai trò quan trọng trong đời sống sản xuất của bao thế hệ cư dân. Khi trình độ sản xuất chưa phát triển thì việc canh tác phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. Theo quan niệm của người xưa, rồng giữ vai trò làm mưa, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng. Do đó, rồng là nơi để mọi người gởi gắm khát vọng, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Hình tượng rồng còn gắn liền với nhiều truyền thuyết và huyền tích mọc lên tại nhiều vùng đất khác nhau trải dài trên cả nước. Theo đó,  sự tích Thăng Long – với hình ảnh rồng bay lên trời, đặt nền móng cho thành phố Đại La, hiện nay là Hà Nội; sự tích Vịnh Hạ Long – rồng hạ cánh tại vùng Quảng Ninh, tạo nên bức tranh huyền bí cho vịnh đẹp nổi tiếng; Vịnh Bái Tử Long – nơi tôn kính hình ảnh rồng; đảo Bạch Long Vĩ – với hình ảnh rồng trắng độc đáo; sông Cửu Long – thể hiện qua chín con sông, hình tượng chín rồng đổ ra biển lớn… Những huyền tích này kết hợp với hình ảnh rồng trong văn hóa dân gian, tạo nên một thế giới đầy mê hoặc và huyền bí, làm phong phú thêm đặc trưng độc đáo của từng vùng đất trên bản đồ Việt Nam.

Trong sinh hoạt của cộng đồng dân gian, hình tượng của rồng được thể hiện một cách đa dạng và phong phú. Điều này thể hiện qua các hoạt động như múa rồng diễn ra trên sân đình trong những dịp hội hè và lễ tết, trong trò chơi trẻ con rồng rắn leo lên mây, cũng như qua những bức tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với hình ảnh rồng đầy màu sắc và ý nghĩa.

Tranh Đông Hồ múa rồng

Tranh Đông Hồ múa rồng (Ảnh: Internet)

 

Suốt chiều dài lịch sử, rồng đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người Việt. Theo thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” hình tượng của rồng và sáng tạo cách sử dụng để phục vụ các mục đích khác nhau.

Niềm tin muôn đời vẫn thế, năm Rồng – Giáp Thìn 2024 – sẽ là một năm tốt đẹp, đầy may mắn và thịnh vượng.

 

 

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận