Năm hết Tết về, nàng Xuân rộn ràng trẩy hội, lòng người nô nức chờ đợi thời khắc chuyển giao của đất trời. Một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh sắp qua, ai ai cũng chờ đợi những điều may mắn, tốt lành ở phía trước.
Trong tâm thức người Việt, tết Nguyên Đán luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tết gắn liền với sum họp gia đình, thăm hỏi hàng xóm láng giềng, vui chơi cùng bạn bè… Người Việt quan niệm, Tết mà dư dả thì sung túc cả năm. Do đó, vào dịp Tết, người ta thường nấu rất nhiều món ngon, trước là để cúng ông bà tổ tiên, sau để ăn uống trong nhà. Món ăn ngày Tết đặc biệt đa dạng và phong phú, đồng thời mang nhiều ý nghĩa tốt lành.
Bánh Chưng
Ở miền Bắc, mâm cơm ngày Tết không thể trọn vẹn nếu thiếu vắng bánh chưng. Nguyên liệu làm bánh chưng gồm có nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn, gia vị…được gói bằng lá dong vuông vức, đẹp mắt. Bánh chưng thường được nấu khoảng 12 tiếng để chín kỹ và giữ bánh được lâu. Bánh chín được vớt ra khỏi nồi thơm nức mũi, mùi của các loại nguyên liệu hòa quyện cũng chính là “mùi Tết”. Bánh chưng ngon nhờ có gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, thịt mỡ béo ngậy cùng vị tiêu cay nhẹ, tròn vị hài hòa.
Cách thưởng thức bánh chưng đúng điệu là ăn kèm với dưa hành. Vị chua dịu, cay nhẹ của dưa hành giúp tăng hương vị, đồng thời giảm cảm giác “ngấy” do bánh chưng chứa nhiều đạm và chất béo. Dưa hành giúp bổ sung chất xơ cũng như kích thích tiêu hóa. Người Việt luôn chú trọng sự hài hòa, cân bằng trong ẩm thực nên bánh chưng dưa hành chính là “cặp bài trùng” không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe.
Bánh Tét
Tương tự như bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu vào dịp Tết ở miền Trung và miền Nam. Nguyên liệu làm bánh tét cũng bao gồm nếp ngon, thịt mỡ, đậu xanh. Bánh được gói bằng lá chuối, có hình trụ, khi ăn tét thành từng khoanh tròn. Nguyên liệu đơn giản nhưng muốn gói được đòn bánh tét ngon đòi hỏi phải khéo léo, tỉ mỉ trong từng khâu. Lá chuối phải được phơi nắng hoặc luộc qua nước nóng trước khi gói. Gạo nếp phải ngâm trong nước ấm có pha muối; đậu xanh đãi vỏ; thịt heo cắt miếng vuông dài. Khi gói phải khéo léo để có được hình dạng đẹp mắt; lạt phải cột thật chặt tránh vô nước khi nấu. Bất kì sơ sót nào cũng làm bánh kém ngon, do đó phải thật cẩn thận chỉnh chu.
Bên cạnh nhân đậu mỡ, bánh tét còn có nhân chuối (được gói từ chuối xiêm chín), nhân chay (đậu xanh hay đậu đen), nhân thập cẩm (có thêm trứng muối, tôm khô…)
Mứt
Vị ngọt ngào của mứt giúp câu chuyện đầu xuân thêm rôm rả (Ảnh: Internet)
Mứt là thức quà “dành riêng” cho Tết mặc dù bạn có thể thưởng thức quanh năm. Ăn miếng mứt ngon, hớp ngụm trà nóng, ôi sao mà thanh tao đến lạ kỳ. Mứt không chỉ là món ăn chơi ngày tết mà còn được gởi gắm ước vọng đầu xuân mới. Mứt hạt sen ngọt thanh, thơm bùi tượng trưng cho gia đình sum họp, người ở xa cũng kịp về nhà ăn tết. Mứt gừng kết hợp vị cay nồng và ngọt ngào, mang ý nghĩa mong muốn cuộc sống ấm no, đầm ấm. Mứt bí mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, phát triển. Hạt dưa có màu đỏ tựa lời chúc may mắn, bình an cả năm.
Có thể nói, ẩn trong hương vị dân dã của khay mứt tết chính là khát vọng năm mới đủ đầy, mọi chuyện viên mãn khi bước sang năm mới.
Thịt Đông
Món thịt đông giàu chất đạm nhưng không gây cảm giác ngấy (Ảnh: Internet)
Thịt đông là món ăn luôn có mặt trên mâm cơm ngày tết ở miền Bắc. Với nguyên liệu chính là chân giò, mộc nhĩ, cà rốt, nấm hương, da heo…được chế biến khéo léo cho đông lại như “thạch”. Thịt đông được xem là món ăn thể hiện sự sung túc thịnh vượng do được làm từ chân giò đắt tiền. Hơn nữa, tiết trời rét lạnh những ngày đầu xuân ở miền Bắc thích hợp để thưởng thức những món ăn giàu đạm và năng lượng. Tương tự những món ăn ngày Tết khác, thịt đông được gởi gắm ý nghĩa tốt đẹp. Nhờ vào sự hòa quyện kết dính của các loại nguyên liệu mà thịt đông tượng trung cho sự hòa hợp, gắn bó giữa mọi người với nhau.
Canh Khổ Qua
Không chỉ có ý nghĩa tốt lành, canh khổ qua còn rất tốt cho sức khỏe (Ảnh: Internet)
Canh khổ qua là món ăn phổ biến ở mâm cơm ngày Tết ở miền Nam. Theo đó, khổ qua mang ý nghĩa “cái khổ đã qua”, hạnh phúc may mắn sẽ đến trong năm mới. Nhân khổ qua được làm từ thịt heo, nấm mèo, cá thác lác, giò sống…tùy theo khẩu vị từng gia đình. Món canh không quá cầu kì và có thể nấu ăn quanh năm, thế nhưng đến Tết mang thêm ý nghĩa may mắn. Hơn nữa, khổ qua tính mát, giúp thanh nhiệt khi ăn quá nhiều món cay nóng và nhiều năng lượng vào dịp Tết.
Thịt Kho Tàu
Thịt kho tàu, còn được gọi là thịt kho rệu hay thịt kho trứng, là món ngon nhất định phải có ở miền Nam vào dịp Tết. Thịt heo (ngon nhất là dùng thịt ba rọi) xắt miếng vuông to kho chung với hột vịt và nước dừa tươi.
Người miền Nam quan niệm, miếng thịt heo vuông vức kho cùng trứng vịt tròn mang ý nghĩa “vuông tròn đầy đặn, mọi việc viên mãn”. Thịt kho tàu có vị ngọt thanh từ nước dừa, mặn của nước mắm ngon, béo ngậy của trứng cộng hưởng thêm miếng thịt mềm rục, mỡ heo tan nơi đầu lưỡi. Đặc biệt, nồi thịt kho tàu có thể được lâu, càng hâm lại càng “bắt cơm, ngon miệng”. Thịt kho tàu ăn chung với dưa giá, củ kiệu, cải chua; ăn với cơm hay cuốn bánh tráng đều là mỹ vị. Chỉ cần ăn qua một lần, bạn sẽ hiểu vì sao thịt kho tàu được xem là “linh hồn” của bữa cơm ngày Tết ở Nam bộ.
Mâm cơm ngày Tết có thể cầu kì hay đơn giản tùy theo từng gia đình, nhưng tựu chung đều mang ý nghĩa tốt đẹp, mong một năm mới bình an sung túc. Quanh bữa cơm ngày Tết, có món ngon, có tình thân và những câu chuyện tốt lành mừng xuân sang.