Tết Đoan Ngọ
Trong tâm thức người Việt, tết Đoan Ngọ là cái tết quan trọng thứ hai sau tết Nguyên Đán. Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Đoan Ngọ còn có một tên gọi khác là tết Diệt Sâu Bọ. Vào dịp này, người Việt thường ăn những món có vị cay, nóng, rượu nếp…để tiêu diệt những loại sâu bọ gây bệnh trong cơ thể, mong muốn cả năm không đau ốm.
Vào tết Đoan Ngọ, mâm cúng tổ tiên của người Việt không thể thiếu cơm rượu nếp, bánh gio, bánh ú, trái cây…Trong đó, bánh ú là loại bánh dành riêng cho dịp Đoan Ngọ. Đoan Ngọ nếu không có bánh ú, chẳng thể vẹn nguyên ý nghĩa và phong vị.
Ở mỗi vùng miền, bánh ú có thể khác nhau đôi chút về cách chế biến và hương vị. Riêng ở miền Nam, hai loại bánh phổ biến là bánh ú lá tre và bánh ú bá trạng.
Bánh Ú Lá Tre
Theo ông bà xưa, tháng 5 âm lịch là thời điểm thời tiết nóng bứt, dễ phát sinh bệnh. Bánh Ú được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, vị ngọt nhẹ tự nhiên, tính mát, tốt cho tiêu hóa.
Gói bánh ú lá tre không cần quá nhiều công đoạn phức tạp. Tuy nhiên, để làm ra một chiếc bánh ngon đòi hỏi người gói phải thật khéo léo, tỉ mỉ.
Bí quyết làm nên chiếc bánh ú ngon là nếp phải được ngâm trong nước tro tàu qua đêm để hạt nếp được nhuyễn dẻo. Nước tro là yếu tố quyết định nên hương vị và màu sắc chiếc bánh.
Bánh ú lá tre có thể có nhân hoặc không có nhân. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, đường, mứt bí và sầu riêng để tạo độ thơm và béo ngậy.
Bánh ú có màu vàng trong, có vị lạt, ăn dễ tiêu, thơm thoang thoảng mùi lá tre. Mỗi xâu thường có từ 12 – 14 cái. Bánh không nhân có thể chấm với đường cát trắng để hương vị thêm đậm đà.
Bánh Ú Bá Trạng
Ở nước ta, sự giao thoa văn hóa đã tạo nên nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Bánh ú bá trạng là kiểu bánh ú của người Hoa; trong đó “bá” có nghĩa là thịt, “trạng” có nghĩa là bánh ú.
Bánh ú bá trạng thường gói theo hình kim tự tháp, cũng có khi được gói theo hình chữ nhật tương tự như bánh chưng.
Khác với bánh ú lá tre có nhân ngọt hoặc không có nhân, bánh ú bá trạng có nhân mặn làm từ thịt, trứng muối, tôm khô, đậu phộng,…Đặc biệt, nếp được ngâm chung với các loại thuốc bắc và gia vị tạo nên hương vị đặc trưng.
Bánh ú bá trạng là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo thơm, đậu phộng bùi bùi, tôm khô, lạp xưởng, thịt heo, trứng muối…Mỗi người gói sẽ có một công thức cho riêng mình, tạo nên sự đa dạng và phong phú về hương vị. Tin tôi đi, nếu bạn đã nếm qua Bánh ú bá trạng thì sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt của món bánh này.
Cuộc sống hiện đại, nhiều phong tục đã dần thay đổi. Thế nhưng, tết Đoan Ngọ vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống người Việt. Ngoài ý nghĩa diệt sâu bọ, mong muốn mùa màng tốt tươi, tết Đoan Ngọ còn là dịp để thưởng thức các sản vật quê hương thân thương mà ấm lòng của người dân nước Việt.